x

Blog Details

LĨNH VỰC MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP

M&A theo phương thức cổ phần, vốn góp

Bên cạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) theo phương thức tài sản nhằm nắm giữ tài sản quan trọng của công ty mục tiêu thì cổ phần, vốn góp (“cổ phần”) cũng được xem là một lựa chọn khác mà bên mua hướng đến khi tham gia vào các giao dịch mua bán. Chúng ta dễ nhận thấy rằng sau đại dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản, cùng với xu hướng công nghệ số đã tác động khiến cho thị trường mua bán vốn sôi nổi trở lại. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính và thương mại điện tử đang nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, trong điều kiện bên mua là các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thông qua việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp mục tiêu, để trở thành chủ sở hữu hợp pháp và nắm giữ các lợi thế về tài chính mà doanh nghiệp mục tiêu đang sở hữu.

Hiểu về M&A theo phương thức cổ phần

M&A theo phương thức cổ phần được hiểu là bên mua nhận chuyển nhượng cổ phần trong  công ty mục tiêu và thông qua đó nắm được quyền kiểm soát về mặt tài chính, quản lý hoạt động, với một tỷ lệ sở hữu cổ phần đủ để chi phối và đưa ra ý kiến quyết định cho những vấn đề trọng yếu hoặc sở hữu toàn bộ, tùy thuộc vào nhu cầu của bên mua cũng như điều kiện mà pháp luật cho phép.

Nếu với M&A theo phương thức tài sản, bên mua chỉ nắm giữ và có quyền định đoạt với tài sản thì phương thức này bên mua được quyền làm chủ cho các hoạt động của công ty mục tiêu, đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, tài chính, chứng khoán, lao động … trong công ty mục tiêu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây được xem là phương án được ưu tiên lựa chọn bởi nó giúp nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư tại Việt Nam, bỏ qua khâu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu, các thủ tục hành chính và bước nhanh vào hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trong năm 2021 thị trường về tài chính, bất động sản, mua bán lẻ được xem là các lĩnh vực mà nhà đầu tư hướng đến trong giao dịch M&A, trong đó phải kể đến các thương vụ M&A nổi bật như: Tập đoàn Sumitomo mua 49% vốn của PE Credit; SHB chuyển nhượng toàn phần công ty tài chính cho ngân hàng Thái Lan, Thaco mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam. Điều này cũng dự đoán cho một giai đoạn sôi nổi của thị trường M&A sau khi Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang dần tìm cách sống chung và phát triển ngay trong bối cảnh dịch bệnh.

 

M&A theo phương thức cổ phần và nghĩa vụ kèm theo của bên mua

Nếu trách nhiệm của bên mua chỉ nằm gói gọn trong phạm vi tài sản bao gồm quyền và nghĩa vụ của một chủ sở hữu tài sản theo quy định pháp luật trong M&A theo phương thức tài sản thì ngược lại với M&A theo phương thức cổ phần, bên mua sẽ là bên kế thừa và tiếp nhận các nghĩa vụ của bên bán mà không có sự giới hạn về việc nghĩa vụ đó phát sinh trước hay sau thời điểm thực hiện giao dịch mua bán. Trong trường hợp này một số nghĩa vụ có thể kể đến như nghĩa vụ theo các hợp đồng mà công ty mục tiêu là một bên trong giao dịch bao gồm cả các hợp đồng xác lập và hoàn thành trước thời diễn ra giao dịch mua bán, nghĩa vụ về lao động, thuế, cơ quan nhà nước. Trong một số trường hợp sẽ phát sinh các tranh chấp mà bên mua có thể phải đối mặt như các tranh chấp về kinh doanh thương mại, tranh chấp về lao động, cổ đông … Để giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro mà bên mua có thể gặp phải thì việc thẩm định ban đầu và soát xét trong quá trình thực hiện giao dịch mua bán là điều cần được xem là “vấn đề trọng yếu” bên cạnh giá cả và thanh toán.

 

Bên mua cần lưu ý gì trong quá trình thẩm định

Để đảm bảo rằng trạng thái hoạt động của công ty mục tiêu sau khi kết thúc giao dịch M&A là đúng theo kế hoạch của bên mua hay nói cách khác giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho bên mua, bên mua cần chú ý đến:

– Tính hợp pháp và tuân thủ liên quan đến hoạt động của công ty mục tiêu xét trên phương diện các điều kiện thành lập, hoạt động cùng với các giấy phép kèm theo;

– Sự tuân thủ trong hồ sơ về tư cách thành viên/cổ đông, vốn/cổ phần, hoạt động góp vốn, các giao dịch mua bán chuyển nhượng trước đó, các hoạt động tăng vốn, giảm vốn…xuyên suốt từ thời điểm thành lập đến khi thực hiện giao dịch mua bán, các nghĩa vụ, rủi ro tài chính phát sinh khi cổ đông/thành viên/công ty không góp đủ vốn hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ trong giao dịch mua bán chuyển nhượng;

– Tài sản của công ty mục tiêu, được hiểu bao gồm tài sản hữu hình và cả vô hình, tính pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của công ty mục tiêu đối với tài sản, các văn bản chứng minh về quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của công ty mục tiêu. Bên mua cần lưu ý rằng đây phải là các văn bản pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng được pháp luật ghi nhận tương ứng cho từng loại tài sản tại từng thời điểm cụ thể;

– Sự tuân thủ về lao động, điều này không chỉ xét về các quy chế nội bộ mà công ty mục tiêu lập ra theo quy định của pháp luật lao động, mà còn phải xét đến các hồ sơ lao động hiện tại, việc tuyển dụng – thực hiện – chấm dứt hợp đồng lao động có đúng với quy định hay không, việc thực hiện các nghĩa vụ bảo hiểm, trợ cấp đối với người lao động, các tranh chấp tồn đọng giữa người lao động và công ty mục tiêu;

– Các hợp đồng, giao dịch mà trong đó công ty mục tiêu là bên bán hoặc bên mua, các nghĩa vụ tồn đọng và các tranh chấp kèm theo cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai liên quan đến việc thực thi hợp đồng.

Như vậy, với M&A theo phương thức cổ phần, để quá trình mua bán được nhanh chóng, thuận lợi thì tại thời điểm ban đầu bên mua cần thẩm định toàn bộ các vấn đề mà có thể ảnh hưởng đến mục tiêu cuối cùng mà bên mua mong muốn đạt được trong giao dịch M&A cũng như ảnh hưởng đến giá mua bán. Trong quá trình thẩm định, các chuyên gia, Luật sư bằng kinh nghiệm của mình sẽ rà soát lại toàn bộ các vấn đề pháp lý mà có khả năng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà bên mua hướng đến trong giao dịch. Bên cạnh đó các giải pháp cũng sẽ được bên tư vấn đưa ra để cả bên mua và bên bán cùng cân nhắc, lựa chọn nhằm tìm được giải pháp chung đạt được mục tiêu mà hai bên hướng đến khi tham gia vào giao dịch.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Các Bài Viết Liên Quan


Phòng họp trang bị thiết bị chuyên dụng