x

Blog Details

LĨNH VỰC MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP

Tiêu chí lựa chọn văn phòng chia sẻ

Trong những năm gần đây giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra khá sôi nổi với những thương vụ lớn như VinCommerce và Masan Group, KEB Hana Bank và BIDV, …, và hiện tại, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì thị trường M&A cũng không giảm bớt đi sự sôi động của nó. Điều này cũng là dễ hiểu bởi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại mô hình để thích ứng hơn với tình hình mới. Trên thực tế tùy thuộc vào mục tiêu mà doanh nghiệp muốn hướng đến sau khi kết thúc thương vụ M&A mà doanh nghiệp lựa chọn cấu trúc giao dịch theo hướng mua lại tài sản hoặc cổ phần. Trong bài viết này chúng ta sẽ bàn luận về đối tượng tài sản trong giao dịch M&A và những điều bên mua cần đặc biệt chú ý.

1. Lợi thế gì từ việc mua tài sản trong giao dịch M&A

Cấu trúc mua tài sản thay vì cổ phần, vốn góp trong công ty mục tiêu thường được các bên mua quan tâm hướng đến khi có nhu cầu sử dụng, khai thác các tài sản của công ty mục tiêu, tận dụng những lợi thế mà tài sản này mang lại cho bên mua khi trở thành chủ sở hữu như lợi thế kinh doanh, vị trí, nguồn khách hàng, nguồn lao động các lợi ích khác về tài chính tùy thuộc vào loại tài sản mà bên mua lựa chọn. Cấu trúc này thường được các doanh nghiệp hướng đến khi có nhu cầu mua các dự án đầu tư tại Việt Nam đặc biệt sôi nổi nhất là các dự án thuộc về lĩnh vực bất động sản.

Với cấu trúc này, bên mua có nhiều lựa chọn về tài sản để thực hiện mua bán mà không phải lo ngại về các vấn đề về năng lực tài chính, nghĩa vụ tồn đọng của công ty mục tiêu với cơ quan nhà nước hoặc bên thứ ba như thuế, khoản tiền phạt, khoản nợ, các nghĩa vụ khác về hợp đồng. Bởi với cấu trúc này bên mua chỉ kiểm soát, sở hữu tài sản với tư cách là chủ sở hữu mới, bên mua không trở thành chủ sở hữu của vốn góp hay cổ phần trong công ty mục tiêu.

 

2. Đối tượng tài sản giao dịch

Tài sản là đối tượng của giao dịch này sẽ bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình, tương ứng với từng loại tài sản thì cách thức để bên mua trở thành chủ sở hữu cũng sẽ khác nhau.

Nhìn chung pháp luật không quy định một cách cụ thể định nghĩa về tài sản hữu hình và tài sản vô hình, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu rằng, tài sản hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất cụ thể, ví dụ: đất đai, nhà cửa, công trình khác, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị sản xuất, thiết bị truyền dẫn.

Tài sản vô hình là những tài sản mà không có hình thái vật chất cụ thể,có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế được như tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, các quyền tài sản khác, các quyền mang lại lợi ích kinh tế theo giao dịch dân sự, các mối quan hệ phi hợp đồng và các tài sản vô hình khác

 

3. Đánh giá pháp lý đối với tài sản

Tiêu chí để kiểm tra tình trạng pháp lý tài sản cũng như điều kiện để được sở hữu đối với mỗi loại tài sản sẽ khác nhau, việc đánh giá được tình trạng pháp lý hiện tại của tài sản sẽ giúp bên mua xác định được giá mua bán cũng như quyền lợi của bên mua sau khi đã trở thành chủ sở hữu.

Đối với tài sản hữu hình, một số tiêu chí mà bên mua có thể dựa vào đó để đánh giá tài sản như:

– Tình trạng sở hữu hiện tại của công ty mục tiêu, sở hữu một phần hay toàn bộ, đồng sở hữu đi kèm (nếu có);

– Thời gian sở hữu còn lại đối với những tài sản có quy định về thời gian sở hữu;

– Những tranh chấp, khiếu nại đang được giải quyết liên quan đến tài sản;

– Tình trạng pháp lý hiện tại của tài sản, các giấy tờ pháp lý đi kèm tài sản có được ban hành theo đúng quy định pháp luật hay không ví dụ như thẩm quyền ban hành, thông tin chủ sở hữu ghi nhận trên văn bản. Đặc biệt trong các giao dịch liên quan đến các dự án công trình xây dựng, bên mua cũng cần đảm bảo được rằng công trình đó đang được khởi tạo và vận hành tuân thủ theo quy định, điều này nhằm đảm bảo sau khi bên mua trở thành chủ sở hữu thì công trình vẫn được vận hành mà không bị tạm dừng vì bất kỳ lý do nào. Hiện tại đối với các thương vụ M&A liên quan đến bất động sản là các dự án thì đây được xem là điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất.

Bên cạnh đó, bên mua cần đặc biệt chú ý xác định năng lực pháp lý của mình, bởi tùy thuộc vào hình thức sở hữu vốn và đối tượng tài sản mà một số trường hợp bên mua không được sở hữu tài sản hoặc sở hữu không trọn vẹn, ví dụ như bên mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đối tượng tài sản trong giao dịch là bất động sản. Đối với tài sản là bất động sản, bên mua cần xem xét đến quyền của bên mua đối với tài sản được mua đối chiếu theo quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, chính sách riêng về đất đai của mỗi địa phương tại từng thời điểm khác nhau… nhằm xác định quyền lợi và phạm vi được sở hữu của bên mua sau khi tiếp nhận tài sản.

Đối với tài sản vô hình cụ thể là các quyền về tài sản, trong đó phải kể đến quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT), bên mua cần xác định QSHTT cụ thể là quyền về đối tượng nào: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế…

Bên mua cần kiểm tra việc bảo hộ và thời gian bảo hộ còn lại đối với đối tượng này. Trong trường hợp một số đối tượng phải đăng ký bảo hộ, bên mua cần kiểm tra quyền sở hữu của bên bán ghi nhận trên văn bằng bảo hộ. Với quyền sở hữu trí tuệ không cần đăng ký bảo hộ thì bên mua cần kiểm tra việc bên bán đáp ứng đủ các tiêu chí của một chủ sở hữu theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, bên mua cũng cũng cần xác định tình trạng pháp lý hiện tại của QSHTT. Điều này cũng tương tự như các tài sản hữu hình, đó là kiểm tra tình trạng tranh chấp của QSHTT, một trong những cơ sở để cơ quan SHTT từ chối các đơn liên quan đến vấn đề sở hữu là QSHTT đó đang bị khiếu nại, tranh chấp bởi một bên thứ ba bất kỳ, việc tranh chấp có thể phát sinh trước hoặc sau khi đã có văn bảng bảo hộ QSHTT.

Như vậy, không chỉ riêng đối với trường hợp M&A cổ phần mà ngay cả đối với tài sản, bên mua phải thẩm định pháp lý, trong đó tập trung vào vấn đề pháp lý về tài sản. Trước đó để tạo tiền đề cho việc thẩm định thì việc ghi nhận ý chí ban đầu của các bên thông qua các Ý định thư hoặc Thư ngỏ, Biên bản ghi nhận hay Bảng điều khoản là điều cần thiết. Tại văn bản này, các bên ghi nhận một số điều kiện tiên quyết làm cơ sở xác định giao dịch sẽ được hoàn thành, đồng thời làm cơ sở để hình thành báo cáo thẩm định pháp lý do bên mua thực hiện nhằm xác định một lần nữa tình trạng pháp lý của tài sản, để xác định giá mua bán cuối cùng. Để rõ hơn về quá trình M&A đối với từng đối tượng mua bán tại từng giai đoan cụ thể, bạn đọc có thể tìm đọc các bài viết khác của chúng tôi trong chuỗi chủ đề về M&A được đăng tải định kì trên website vào mỗi tháng.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Các Bài Viết Liên Quan


Phòng họp trang bị thiết bị chuyên dụng